-----
Có câu chuyện về nhện được chuyển kiếp thành người trải qua vô thường, mất, còn, có, không mới liễu ngộ được cái quý nhất trên đời như sau:
Con nhện giăng tơ trên một cành cây trước cửa Phật, một lần Phật đi ngang nhìn thấy mới hỏi con nhện “Theo ngươi thì cái gì quý giá nhất trên đời”. Với chút tuệ căn sau một ngàn năm nghe kinh phật, con nhện trả lời: “Đó là thứ không có được và thứ đã mất đi”.
Phật gật đầu, đi khỏi. Một ngàn năm sau, Phật lại đến hỏi con nhện: “Ngươi nghĩ thế nào về câu hỏi của ta”.
Trải qua một ngàn năm, ngày ngày nhìn thấy bao nhiêu người đến dâng hương cầu nguyện, bao nhiêu lời cầu nguyện là bấy nhiêu ước muốn của con người. Con nhện trả lời “Đó là thứ không có được và thứ đã mất đi”. Phật lại gật đầu rồi đi khỏi.
Trong một ngàn năm sau đó, có một hôm một làn gió mang hạt sương nhỏ đến đọng trên mạng nhện, con nhện nhìn ngắm giọt sương long lanh, lòng cảm thấy vui thích. Nó chưa bao giờ thấy vui sướng như vậy trong suốt ba ngàn năm qua. Nhưng rồi gió lại thổi đến, mang giọt sương đi mất, nhện cảm thấy đau khổ, mất mát và cô đơn.
Lúc này Phật lại đến và vẫn với câu hỏi ngày xưa, lần này nhện quả quyết trả lời “Đó là thứ không có được và thứ đã mất đi”. Lần này Phật ko gật đầu mà lại nói với nhện “Vậy ta sẽ cho ngươi một lần sống kiếp người”.
Và thế, nhện đầu thai thành con gái của Tể Tướng, xinh đẹp, duyên dáng, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Một hôm, nhà vua quyết định mở tiệc mừng công chúa Trường Phong vừa tuổi trăng tròn ở vườn ngự uyển. Rất nhiều người được mời tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi. Tân khoa Trạng Nguyên Cam Lộc trổ tài cầm kì thi họa khiến mọi người đều thán phục. Nàng Châu Nhi cảm thấy đây thực sự là lương duyên mà Phật đã mang đến cho nàng.
Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc cũng cùng nhau hàn huyên tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.
Châu Nhi về nhà, nghĩ Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao Cam Lộc lại không hề có cảm tình với nàng? Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, còn Châu Nhi thì được sánh duyên với thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật lại tàn nhẫn với nàng như thế.
Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp. Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường : “Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vườn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi.” Rồi Chi Thụ rút gươm tự sát.
Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: “Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc ngắn ngủi thêm vào sinh mệnh ngươi mà thôi. Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa Phật, anh ta đã ngắm ngươi ba ngàn năm, yêu ngươi ba ngàn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?”
Nhện biết được sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: “Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”
Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm…
Thứ không có được và thứ đã mất đi có phải là điều quý nhất.
Không có được những gì mình mong muốn như tình cảm, tiền bạc, địa vị, danh vọng nhiều người rơi vào trầm cảm, nhẹ thì có thể qua khỏi, nặng thì dẫn đến tinh thần bấn loạn, hành xử nói năng như người mất trí. Chẳng phải đã từng có người tự tử vì thua lỗ chứng khoán hay sao, hoặc cũng có người vì thất tình mà mượn rượu giải sầu đến mức hủy hoại cả sức khỏe của mình.
Mong muốn, khát khao sở hữu mà không thể chạm tới được hay vừa chạm đến đã tan thành mây khói, gặp tình cảnh như vậy bỗng chốc cái bản ngã ta đây, ta phải là như thế này, ta phải được thế kia cũng vụt tan đứt mất. Ngay cái khoảnh khắc vừa biết mình sụt chân khỏi vinh quang, vừa thấy mình mất tất cả những gì trước kia nâng niu, gìn giữ cũng chính là lúc tâm hồn trở nên rỗng rang, nhẹ nhàng.
Nhện đã chiêm nghiệm hơn một ngàn năm nên mới nắm bắt được cái thời khắc mà đối với người còn nặng tham, sân, si là trời đất quay cuồng còn đối với người nhẹ gánh lo âu từ trước thì cũng chẳng thấy nặng nề là bao, hơn nữa còn có thể giúp thâm nhập vào sự rỗng không, vô thường lẽ được mất có còn của cuộc đời.
Nhưng nếu chỉ dừng lại tại đó chắc chắn không thể coi là đã nhận được cái quý nhất trên đời. Như một kho chứa, theo thời gian các loại hàng hóa được đem xuất bán sau cùng chỉ còn lại một kho trống không. Trống không trông cũng nhẹ nhàng, thanh thản, nhưng kho thì vẫn còn ngay ra đó, ngẫm kỹ cũng không thật sảng khoái và thoải mái lắm bởi còn mang cái không kề bên.
Vì vậy khi trong một kiếp làm người, nếm trải mùi vị khao khát yêu thương mà không được toại nguyện nhện mới thức tỉnh. Trước nay mãi chạy theo mong cầu cao xa bên ngoài, còn tầm thường kề bên hằng ngày vẫn hiện diện ngay trước mặt lại không để tâm đến. “Hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”, kỳ thực không phải giữ hay nắm điều gì mà chính là từng giây trôi qua biết từng giây trôi qua, từng ý nghĩ vụt qua biết ý nghĩ chỉ vụt qua, tăng trưởng rồi hoại diệt, không chấp biết cái không, không chấp vào không để thật thấy mọi vật chỉ huyễn hóa, tạm bợ, đập tan luôn kho chứa thì hiển hiện cái quý nhất trên đời. Cả đối tượng và chủ thể nhận biết đều tan mất, một trạng thái như như bất động, hằng tỏa sáng tự bao đời nay.
0 nhận xét:
Post a Comment